Chứng khoán Mỹ tăng. Kim loại quý chịu ảnh hưởng tiêu cực
Góc nhìn cơ bản
US30
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt, với lợi suất trái phiếu của kỳ hạn 10 năm vượt mức 4% lần thứ hai chỉ trong vòng 2 ngày, khi nhà đầu tư phản ứng với những kỳ vọng lạm phát cao hơn.
Tuần trước, những người tham gia thị trường tích cực mua cả trái phiếu 30 năm và trái phiếu kho bạc 10 năm, dẫn đến đường cong lợi suất đảo ngược với lợi suất trên trái phiếu 10 năm được định giá cao hơn một chút so với trái phiếu 30 năm. Đây là tín hiệu xấu khi nó cho thấy sự lo sợ của nhà đầu tư. Hiện tại, sự đảo ngược đó đã tạm thời được vô hiệu hóa với cả trái phiếu kỳ hạn 10 năm và trái phiếu kỳ hạn 30 năm đều có lợi suất 4,015%.
Trong hôm qua, nhà đầu tư đã chứng kiến tâm lý chấp nhận rủi ro mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Mỹ khi chỉ số Dow tăng 1,86%, S&P 500 tăng 2,65% và chỉ số công nghệ NASDAQ tăng 3,43%.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy lạm phát ở Mỹ vẫn được cho rằng là vẫn chưa hạ nhiệt. Hiện tại, tình hình vẫn chưa có các điều kiện rõ ràng để cho phép Fed có thể dịch chuyển các chính sách thắt chặt của mình. Chỉ khi điều này xảy ra, thị trường chứng khoán mới có điều kiện để thực sự phục hồi.
Chỉ số US30 (YM) có vẻ đang có dấu hiệu đảo chiều khi mẫu hình 2 đáy đang được thiết lập chưa hoàn chỉnh. Trong trường hợp chỉ số này tiếp tục tăng lên và đóng cửa trên 30500 thì chúng ta có thể chứng kiến sự phục hồi. Tuy nhiên, tình hình sẽ khó để sự phục hồi này (nếu có xảy ra) có thể kéo dài khi 2 cuộc họp FOMC đang đến gần, ngoại trừ có một diễn biến đặc biệt nào đó xảy ra.
Dầu WTI
OPEC+ giảm sản lượng Dầu khá mạnh đã đẩy giá Dầu tăng cao trong tuần trước nhưng nguy cơ về suy thoái toàn cầu trước dữ liệu lạm phát xấu hơn kỳ vọng và sự sụt giảm nhu cầu nhiên liệu, đặc biệt là tại quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới như Trung Quốc, càng đẩy giá dầu trượt sâu trong các phiên giao dịch gần đây.
Ở một diễn biến khác, dự trữ dầu và xăng của Mỹ bất ngờ tăng cao. Sản lượng dầu tại lưu vực Permian của Texas và New Mexico (lưu vực chứa dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ) được dự báo sẽ tăng khoảng 50.000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 5,453 triệu thùng/ngày trong tháng này, Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết. Sản lượng đá phiến tăng đã giúp giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung dầu và đà tăng giá được giới hạn.
Thêm vào đó, đồng đô la giảm so với rổ tiền tệ chính sau khi bộ trưởng tài chính mới của Anh Jeremy Hunt cắt bỏ phần lớn cái gọi là “ngân sách nhỏ” của chính phủ, làm gia tăng khẩu vị rủi ro. Chỉ số đô la so với rổ tiền tệ giảm 0,82% xuống 112,11. Đồng đô la yếu hơn làm cho giá dầu rẻ hơn đối với những quốc gia không phải Hoa Kỳ.
Vàng
Những người tham gia thị trường giao dịch kim loại quý vẫn đang thực sự lo ngại về hai cuộc họp FOMC còn lại vào tháng 11 và tháng 12. Nhiều người dự đoán rằng có khả năng cao là cả hai cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang sẽ có các đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản.
Theo công cụ FedWatch của CME, có 97,4% xác suất Cục Dự trữ Liên bang sẽ nâng lãi suất lên 0,75% tại cuộc họp FOMC tháng 11 và xác suất 65,3% để tăng lãi suất 0,75% vào tháng 12. Điều này sẽ đưa lãi suất cho vay từ 300 đến 325 điểm cơ bản (bps) hiện tại lên từ 450 đến 475 điểm cơ bản (bps) vào cuối năm 2022.
Lạm phát tiếp tục ở mức kỷ lục với dữ liệu cốt lõi CPI mới nhất cho thấy áp lực lạm phát tăng nhẹ từ 6,3% trong tháng 8 lên 6,5% trong tháng 9. Tuy nhiên, khu vực đồng tiền chung châu Âu đang trải qua mức lạm phát cao hơn nhiều so với Hoa Kỳ với chỉ số CPI ở mức xấp xỉ 10%. Chừng nào lạm phát vẫn còn ở mức cực kỳ nóng và dai dẳng thì không thể có khả năng Cục Dự trữ Liên bang sẽ giảm mức độ và tần suất tăng lãi suất. Nhiều khả năng chính sách tiền tệ cực kỳ tích cực của Cục Dự trữ Liên bang sẽ dẫn đến suy thoái trong quý đầu tiên của năm 2023. Câu hỏi đặt ra rằng “Suy thoái sẽ dẫn đến mức độ sâu sắc như thế nào từ việc Fed tăng lãi suất mạnh mẽ”.
Tóm lại thị trường kim loại quý đang chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Các tin tức quan trọng tuần này (19/9 – 23/9/2022)
Tuần này, thị trường tiếp tục với nhiều báo cáo quan trọng khác, đặc biệt là dữ liệu liên quan đến lạm phát từ New Zealand, Anh và Canada. Mặc dù tâm điểm là Hoa Kỳ, nhưng lạm phát ở các quốc gia phát triển khác cũng sẽ góp phần khiến tình hình trở nên rối rắm hơn.
Trong khi giới phân tích kỳ vọng lạm phát ở New Zealand giảm thì lạm phát ở Anh và Canada được cho là tiếp tục tăng. Hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể biết được kết quả chính xác nhưng có một điều chắc chắn rằng, thị trường ắt hẳn sẽ có nhiều biến động.