Dầu thế giới tiếp tục tăng. Chứng khoán giảm mạnh nhất trong 2 năm qua
Góc nhìn cơ bản
US30
Báo cáo lạm phát công bố ngày 13/9 gần như là một lời xác nhận với thị trường rằng FED sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất 0,75% vào ngày 22/9 tới đây. Cụ thể, báo cáo cho biết chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 8, cao hơn mức dự báo của giới chuyên gia kinh tế chỉ ở mức 8,1%. Dù con số này thấp hơn mức 8,5% của tháng 7 và 9,1% của tháng 6, song lạm phát lõi ( tức, không tính giá thực phẩm và năng lượng) vẫn tăng. Cụ thể, lạm phát lõi tháng 8 tăng 0,6% so với tháng 7, gấp 2 lần mức mà giới chuyên gia dự đoán.
Công bố báo cáo lạm phát vượt dự báo này đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ có phiên giảm mạnh nhất hơn hai năm, cụ thể chỉ số Dow Jones đã mất hơn 1.200 điểm. Khi lạm phát vẫn ở mức cao như thế này, giới đầu tư ngày càng lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ có lý do để đẩy nền kinh tế vào một viễn cảnh suy thoái khi tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất.
Mặc dù hầu hết các chuyên gia trên Phố Wall vẫn dự đoán FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% trong cuộc họp chính sách vào tuần tới, song kỳ vọng về một đợt tăng 1% cũng có hơi hướng đang tăng dần.
WTI
Trong ngày 13/9, OPEC đã đưa ra quyết định giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn thế giới trong năm 2022 và 2023, khi cho rằng các nền kinh tế chủ chốt đang hoạt động tốt hơn dự kiến, bất chấp những “cơn gió ngược” như lạm phát ngày càng tăng và làn sóng tăng lãi suất. Theo đó, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ tăng 3,4 triệu thùng/ngày trong năm 2022 và 2,7 triệu thùng/ngày trong năm 2023.
Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí Kuwait (KPC), ông Sheikh Nawaf Saud al-Sabah, trong ngày 13/9 đã thông báo rằng Kuwait đang sản xuất hơn 2,8 triệu thùng dầu mỗi ngày theo hạn ngạch của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Điều này đã giúp thị trường tạm thời chặn được đà tăng giá của dầu thô khi khủng hoảng năng lượng đang gia tăng trong mùa đông này.
Các tin tức quan trọng tuần này (19/9 – 23/9/2022)
Tuần này, thị trường dự kiến sẽ mang lại nhiều sóng gió với 3 quyết định lãi suất từ 3 nền kinh tế lớn gồm Hoa Kỳ, Anh và Thuỵ Sỹ. Cả 3 ngân hàng trung ương này đều được thị trường dự báo rằng sẽ tăng lãi suất.
Đáng chú ý và được quan tâm hơn cả là quyết định lãi suất đến từ FED và với công bố CPI tăng cao đã làm cho thị trường lo lắng rằng mức 100 bps có thể sẽ được thông qua thay vì 75 bps.